Trồng Trọt
Những điểm cần lưu ý khi trồng thâm canh cây vú sữa





Cây Vú sữa Chrysophyllum cainino, thuộc họ Hồng xiêm Sapotaceae, sinh trưởng nhanh, thân gỗ dẽo, lá thường xanh, tán lá rộng, dày, hoa lưỡng tính, tự thụ phấn, khả năng đậu trái cao (cây trên 10 năm tuổi khả năng đậu trái có thể lên đến hơn 1.000 trái /cây), chiều cao có thể đến 10-15 m; cây sinh trưởng tốt ở vùng khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ tối hảo từ 22-34 oC. Ngoài ra, cây phát triển thích hợp ở độ cao từ 400 m so với mực nước biển trở xuống. Vì vậy, vùng đất phù sa đồng bằng sông Cửu Long rất thích hợp cho việc canh tác cây Vú sữa.

Thành phần dinh dưỡng trong trái Vú sữa cũng khá cao, trong 100 g thịt quả lượng khoáng canxi có khoảng 14,65 mg, phốt pho 73,23 mg, kali 67,2 mg, magie (Mg) 3,3 mg, sắt 2,33 mg, protein 2,33 mg, chất xơ 3,3 mg, năng lượng 67,2 calo, chất khô 14,65 mg,... ngoài ra còn có chứa các vitamin C 14,5 mg, vit.A, B1, B2, B3... Quả Vú sữa còn chứa các họạt chất có tác dụng phòng ngừa sạm da, kháng khuẩn… Lá Vú sữa còn được nấu nước uống dùng thay lá chè (trà ), có tác dụng tốt đối với bệnh đái đường, thấp khớp...

Trong vài năm gần đây cây Vú sữa được xếp vào nhóm cây cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao, hàng năm nó mang lại lại khoảng thu nhập khá lớn cho nhà vườn (trên 500 triệu/ha), nhờ giá trị thương mại vào vụ nghịch rất cao. Nhiều nông dân cho biết thêm 2 năm vừa qua, mỗi kg trái Vú sữa loại 1 (lò rèn, bơ,…) vụ nghịch thương lái vào tận vườn mua có lúc lên đến 40 - 45.000 đ/kg. Vì vậy, mỗi cây Vú sữa Lò rèn trên 10 năm tuổi mang lại thu nhập cho nhà vườn trên 5-6 triệu đồng không khó, thậm chí có thể lên đến gần 20 triệu đồng/cây /năm. Ngoài việc  trồng để khai thác trái, cây Vú sữa hiện nay còn được người chơi kiểng trồng làm cây cảnh (bon sai) trong khuôn viên nhà ở các thành phố, điều này càng làm gia tăng giá trị thương mại cho cây Vú sữa...

Do mang lại nguồn thu nhập hàng năm cho nhà vườn cao, vài năm gần đây diện tích  trồng cây Vú sữa phát triển mạnh ở nhiều tỉnh, thành thuộc khu vực ĐBSCL. Riêng ở Cần Thơ, tổng diện tích Vú sữa hiện tại phát triển trên 1.120 ha (gồm các giống như Vú sữa Lò rèn, Vú sữa Bơ, Vú sữa Tím, Cà na và dòng mới “Vú sữa Tứ quý”), tập trung chủ yếu tại huyện Phong Điền (810 ha), Thới Lai (76,7 ha), quận Bình Thuỷ (130 ha) và Ô Môn (90,7 ha). Trong đó, diện tích cây đang cho trái là 876,8 ha, với sản lượng ước đạt trên 18.000 tấn. Giống Vú sữa chủ lực hiện nay tại Cần Thơ là Vú sữa Lò rèn với diện tích trên 650 ha, Vú sữa Bơ khoảng 100 ha, còn lại là các giống Vú sữa Tím, Cà na, Tứ quý…

Để có thể khai thác cây Vú sữa cho hiệu quả kinh tế cao và lâu dài, nhà vườn cần nắm rõ đặc tính thực vật, cũng như đặc điểm sinh trưởng, sinh sản,… của cây Vú sữa để có biện pháp kỹ thuật phù hợp. Dưới đây là một số điểm, một số công đoạn được đúc kết từ nhiều nhà vườn trồng thâm canh cây Vú sữa đạt hiệu quả cao hiện nay.

1. Chọn cây giống trồng

Nhà vườn nên chọn cây giống ghép bo (ghép mắt cực nhỏ), hoặc ghép mắt có xương để trồng. Nhằm tạo vườn cây có độ đồng đều cao, cây có được bộ rễ ăn sâu, khỏe từ ưu thế của gốc ghép ương từ hột. Đồng thời, hạn chế cây đổ ngã sau này do tán lá dày, cành mọc dày, nhiều trái... Không nên chọn trồng cây giống Vú sữa loại ghép cành treo bầu, vì cây ghép cành treo bầu thường phát triển không tốt về lâu dài. Chúng cho trái thuận lợi ở vài năm đầu, những năm sau đó trái sẽ nhỏ dần làm giảm giá trị.

2. Trồng cây che chắn thẳng góc với hướng gió chính

Nhà vườn cần trồng cây che chắn thẳng góc với hướng gió chính cho vườn như cau, bạch đàn, xoài... nhằm hạn chế tác hại của gió giông làm cây đỗ ngã hay lật gốc trong mùa mưa bão.

3. Đấp mô, đào hộc, lên liếp để trồng

Nhà vườn cần đấp mô, lên liếp vì đất ĐBSCL là đất phù sa bồi, thành phần cơ giới nặng (sét nhiều), có cao độ bình quân so với mực nước biển khoảng 1-1,1m, nên ở vùng ngọn, vùng trủng thấp xa sông, nếu lên vườn trồng Vú sữa từ đất ruộng, nhất thiết bà con cần phải đào hộc, lên mô. Khi đào hộc, nên đào sâu khoảng 0,4m (không nên đào sâu quá), rộng 0,6m, đất lấp hộc nên dùng một hỗn hợp gồm đất mặt + 15-20 kg phân hữu cơ hoai + 0,3 kg super lân + 0,1 kg DAP + một ít thuốc hột Basudin (để trừ kiến, tuyến trùng) và sản phẩm Trichoderma (nấm thiên địch). Nhằm để cải thiện kết cấu đất, tạo độ tơi xốp, dễ thoát nước, giúp cho bộ rễ ăn sâu nhanh, cây sẽ  ít bị đổ ngã sau này. Ngoài ra, tùy độ cao thấp của mặt liếp, nông hộ nên đắp mô cao từ 0,2-0,5 m, đất lên mô gồm đất mặt khô, băm nhỏ (kích cở khoảng 5 cm) + phân hữu cơ hoai + trộn thêm sản phẩm Trichoderma. Khi trồng móc (soi) lỗ đặt cây sau cho mặt trên của bầu cây ngang mặt mô. Hàng năm nhà vườn cần bón phân hữu cơ hoai và vun gốc bồi sình làm liếp vườn tăng dần tầng đất canh tác, giúp bộ rễ cây ăn sâu và rộng sẽ hạn chế được cây bị đỗ ngã vào mùa mưa (thường bà con nông dân ít quan tâm đào hộc lên mô, chỉ moi lỗ ngang mặt liếp, sau đó đặt cây, diều này khiến bộ rễ cây khó phát triển sâu, rộng nên cây dễ bị lật gốc vào mùa mưa bảo).

4. Chú trọng việc tỉa cành tạo tán cho cây Vú sữa trong giai đoạn kiến thiết cơ bản

Nhà vườn cần chú trọng việc tỉa cành tạo tán cho cây Vú sữa trong giai đoạn Kiến thiết cơ bản. Đây là khâu có ý nghĩa quan trọng để giúp cây Vú sữa phát triển cân đối, hạn chế gãy cành, lật gốc sau này. Công việc này được thực hiện như sau:

- Cuối năm thứ nhất (kể từ sau ngày trồng cây xuống mô): nhà vườn nên cắt ngang ngọn cây, chừa lại 1m tính từ mặt đất lên (nhằm khống chế chiều cao), đồng thời chọn chừa một số cành cấp 1 xoay đều 3-4 hướng quanh trục thân chính, mỗi cành cách nhau khoảng 2 tấc trên thân chính.

- Cuối năm thứ hai: tỉa chừa cành cấp 2, nên tỉa sát thân cành, không tỉa ngọn cành.

- Cuối năm thứ ba: tỉa chừa cành cấp 3.

Chú ý: trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, tỷ lệ C/N thấp, lá ít hơn rễ, nên chỉ tỉa thưa (tỉa nhẹ ). Việc bón phân cho cây trong giai đoạn nầy, phân hữu cơ là chính, phân hóa học phải cân đối NPK và mang tính chất bổ sung, sao cho cây phải có bộ tán thân cành lá trên mặt đất cân đối với bộ rễ ở dưới mặt đất.

5. Điều khiển mực nước mương ổn định

Nhà vườn cần điều khiển mực nước mương luôn cách mặt liếp khoảng 5-6 tấc (50-60 cm), đồng thời chú trọng xẻ rãnh “chắt“ nước theo chiều rộng của liếp (rãnh rộng 2-3 tấc, sâu 3-5 tấc). Nhằm tích cực tháo nước hiệu quả sau những cơn mưa dầm, tránh oi, úng nước (úng nước là nguyên nhân chính gây thối rễ, chết cây vào mùa mưa lũ).

6. Trồng cỏ che phủ mặt liếp

Cỏ để che phủ mặt liếp có thể chọn trồng cỏ rau trai... để che phủ mặt liếp, tránh “ hốc nắng” trong mùa nắng, tránh đóng váng bí đất vào mùa mưa, đồng thời giúp bốc thoát hơi nước giúp đất mau khô. Cỏ cũng giúp thiên địch cư trú, ăn phấn hoa trong những lúc không có sâu hại (duy trì thiên địch trong vườn).

Út Tâm TH



CÁC TIN KHÁC: